Bệnh gù lưng ở trẻ nhỏ: Cha mẹ nên lưu ý gì?
1. Nguyên nhân bé bị gù lưng?
Theo nhiều chuyên gia y khoa, bệnh gù lưng hay tật gù cột sống là một vấn đề sức khỏe quen thuộc, liên quan đến sự sai lệch trong cấu tạo cấu trúc cột sống. Trong đó, vùng lưng trên, cụ thể hơn là các đốt sống ngực T7 – T11, là khu vực chịu thương tổn chủ yếu.
Bệnh tiến triển tương đối chậm, không gây đau đớn nên nhiều phụ huynh và trẻ nhỏ thường bỏ qua. Tùy theo từng giai đoạn, trẻ sẽ gặp những nguy cơ tác động lên cột sống gây gù lưng, chẳng hạn như:
1.1. Bẩm sinh
Gù lưng bẩm sinh xảy ra trong một số trường hợp hy hữu, nguyên nhân là do quá trình hình thành cột sống xảy ra “lỗi”, khiến xương phát triển không bình thường hoặc làm cho hai hay nhiều đốt sống dính với nhau không thể tách rời. Hiện tượng này xảy ra ngay từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ và thường tiến triển nặng hơn khi trẻ lớn lên, không chỉ khiến bé bị gù lưng mà có thể mắc các dị tật tim và thận bẩm sinh.
1.2. Cha mẹ bồng bế sai tư thế
Theo bác sĩ, trong ba tháng đầu đời, các đốt sống của bé rất mềm và dễ uốn nắn. Do đó, việc không được nâng đỡ đúng cách có thể vô tình “rập khuôn” cột sống của trẻ phát triển theo tư thế cúi người về phía trước, từ đó hình thành chứng gù lưng sau này.
1.3. Trẻ tập ngồi hoặc đi quá sớm
Các bác sĩ luôn khuyến nghị bố mẹ cần lưu ý đảm bảo các đốt xương sống của bé đã đủ cứng cáp trước khi tập cho trẻ ngồi hay đi. Nếu quá trình tập ngồi, tập đi diễn ra quá sớm, cột sống mềm yếu của trẻ sẽ không đủ khả năng chống đỡ trọng lượng cơ thể. Việc chịu đựng áp lực quá lớn như vậy rất dẫn đến tình trạng biến dạng cột sống, lâu ngày trở thành bệnh gù lưng.
Theo các chuyên gia, hầu hết bé có thể bắt đầu tập ngồi từ tháng thứ tư và chập chững đi những bước đầu tiên trong cuộc đời khi một tuổi.
1.4. Bé sớm tiếp xúc với tivi, thiết bị điện tử
Một số gia đình cho con nhỏ tiếp xúc với tivi hoặc các thiết bị điện tử thông minh khi trẻ chỉ mới 1-2 tuổi. Trong trường hợp này, cha mẹ cần chú ý liên tục thay đổi tư thế cho bé. Các tác động liên tục trong thời gian dài có thể dễ dàng thay đổi cấu trúc cột sống mềm của trẻ và dẫn đến tình trạng gù lưng.
1.5. Ngồi học sai tư thế
Sai tư thế khi ngồi học, viết bài là nguyên nhân phổ biến nhất gây gù lưng ở trẻ nhỏ trong độ tuổi đến trường. Bố mẹ cũng như giáo viên cần đặc biệt lưu ý, nhắc nhở trẻ có xu hướng viết bài trong tư thế khom lưng, đầu cúi sát mặt bàn hoặc thậm chí nằm dài ra bàn.
Lúc này, tuy cột sống của trẻ đã cứng cáp hơn so với những năm đầu đời nhưng thực tế, các đốt xương vẫn dễ bị tác động bởi những tư thế xấu lặp đi lặp lại liên tục, dẫn đến phát triển sai hướng. Vì vậy, bên cạnh tư thế ngồi hay đi lại, bố mẹ cũng cần chú ý đến tư thế ngủ của trẻ. Nằm co người và nghiêng một bên quá lâu rất dễ khiến đường cong sinh lý của cột sống thay đổi, đôi khi dẫn đến gù lưng.
2. Cách nhận biết gù lưng ở trẻ nhỏ
Gù lưng ở trẻ nhỏ là một tình trạng nghiêm trọng và cần được can thiệp điều trị. Một số biến chứng nguy hiểm của gù lưng đó là:
- Tăng nguy cơ cận thị.
- Khiến trẻ bị cong vẹo cột sống.
- Làm suy giảm các chức năng của hệ hô hấp và hệ tim mạch.
- Ngoại hình bất thường có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, khó hoà nhập.
Nhằm ngăn chặn những hệ luỵ trên, phụ huynh cần có cách nhận biết gù lưng ở trẻ nhỏ như sau:
- Lưng bé nhô ra sau, hai vai đổ về phía trước, ngực hướng xuống bụng. Tư thế này thường xuyên diễn ra khi trẻ đi lại hoặc ngồi, dễ nhận thấy nhất khi bố mẹ quan sát từ bên hông trẻ.
- Trẻ hay than đau, nhức mỏi ở lưng, đặc biệt là khu vực cột sống. Phạm vi đau nhức có thể lan rộng đến cổ và vùng vai gáy, nặng hơn vào buổi chiều.
- Nếu trẻ bị gù lưng nặng, những cơn đau này sẽ xuất hiện với tần suất cao hơn. Bên cạnh đó, khi học tập hoặc hoạt động mạnh, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau lưng, mệt mỏi, tức ngực, khó thở.
3. Cách chữa gù lưng cho trẻ
Ngay khi phát hiện trẻ có các biểu hiện trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Một số phương pháp chữa gù lưng cho trẻ được áp dụng hiện nay bao gồm:
3.1. Đeo đai định hình
Phần lớn trường hợp gù lưng ở trẻ nhỏ có thể được khắc phục bằng cách mặc áo chỉnh hình, đồng thời kết hợp với chế độ tập luyện phục hồi và dinh dưỡng khoa học, giàu canxi và vitamin D. Việc sử dụng đai định hình giúp cố định cột sống, đốt sống lưng và vai gáy. Qua đó, trẻ giữ được tư thế lưng ổn định.
3.2. Tập vật lý trị liệu
Tập vật lý trị liệu đúng cách sẽ tăng cường độ dẻo dai, linh hoạt của cột sống. Phương pháp này hỗ trợ khôi phục đường cong của cột sống một cách tự nhiên. Phụ huynh có thể cho trẻ kết hợp việc rèn luyện với đeo đai định hình để tăng hiệu quả trị liệu cao nhất.
Thông tin tham khảo: https://tuoitre.vn/benh-gu-lung-266920.htm